Năm Canh Ngọ (111tr.CN) vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang đánh nhà Triệu, lấy nước Nam Việt, rồi cải là Giao Chỉ bộ, và chia ra làm 9 quận như sau:
1. Nam Hải (Quảng Đông).
2. Thương Ngô (Quảng Tây)
3. Uất Lâm (Quảng Tây)
4. Hợp Phố (Quảng Đông)
5. Giao Chỉ (Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía bắc)
6. Cửu Chân (Trung Việt)
7. Nhật Nam
8. Châu Nhai (Đảo Hải Nam)
9. Đạm Nhĩ (Đảo Hải Nam)
Mỗi quận có quan Thái thú coi việc cai trị trong quận và lại có quan Thứ sử để giám sát các quận. Ở trong quận Giao Chỉ thì có những Lạc tướng hay Lạc hầu vẫn được thế tập giữ quyền cai trị các bộ lạc tựa hồ như các quan lang ở mạn thượng du đất Bắc Việt bây giờ.
Quan Thứ sử đầu tiên là người Thạch Đái, đóng phủ trị ở Long Uyên(?). Có sách chép là phủ trị thuở ấy đóng ở Lũng Khê, thuộc phủ Thuận Thành bây giờ.
Từ đời vua Vũ Đế cho đến hết đời nhà Tây Hán không thấy sử nói gì đến đất Giao Chỉ nữa. Mãi đến năm Kỷ Sửu (năm 29 sau CN) là năm Kiến Võ thứ 5 đời vua Quang Vũ nhà Đông Hán thì mới thấy chép rằng Thứ sử Giao Chỉ là Đặng Nhượng sai sứ về cống Nhà Hán. Bởi vì khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, bọn Đặng Nhượng, Tích Quang và Đỗ Mục ở Giao Chỉ giữ châu quận, không chịu phục Vương Mãng. Đến khi vua Quang Vũ trung hưng, bọn Đặng Nhượng mới sai sứ về triều cống.
Về đầu thế kỷ đệ nhất có hai người sang làm thái thú trị dân có nhân chính. Một người tên là Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, một người tên là Nhâm Diên làm Thái thú quận Cửu Chân.
Tích Quang sang làm Thái thú quận Giao Chỉ từ đời vua Bình đế nhà Tây Hán, vào quãng năm thứ 2 thứ 3 về thế kỷ đệ nhất. Người ấy hết lòng lo việc khai hoá, dạy dân lấy điều lễ nghĩa, cho nên dân trong quận có nhiều người kính phục.
Nhâm Diên thì sang làm Thái thú quận Cửu Chân từ năm Kiến Võ nhà Đông Hán. Bấy giờ dân quận ấy chỉ làm nghề chài lưới và săn bắn, chứ không biết cày cấy làm ruộng nương. Nhâm Diên mới dạy dân dùng cày bừa mà khai khẩn ruộng đất, bởi vậy chẳng bao lâu mà quận ấy có đủ thóc gạo ăn. Người ấy lại dạy dân làm lễ cưới hỏi khi lấy vợ lấy chồng, và bắt những lại thuộc trong quận lấy một phần lương bổng của mình mà giúp cho những kẻ nghèo đói để lấy vợ lấy chồng.
Nhâm Diên ở Cửu Chân được 4 năm thì được thăng chức về Tàu đi làm quan chỗ khác. Dân sự quận ấy ái mộ Nhâm Diên, làm đền thờ. Có người vì được nhờ quan Thái thú cho nên khi sinh con ra, lấy tên Nhâm mà đặt tên cho con, để tỏ lòng biết ơn.